Thủ tướng trả lời câu hỏi khởi nghiệp của sinh viên Thủ tướng trả lời câu hỏi khởi nghiệp của sinh viên

Một sinh viên Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam đặt câu hỏi với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Ngành chính trị của cháu không giống các ngành khác vậy sẽ khởi nghiệp như thế nào? 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời nhiều câu hỏi về khởi nghiệp của sinh viên. Ảnh: VGP/Quang Hiếu


Như đã đưa tin, hôm nay, 16/10, tại ĐHQGHN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự lễ phát động Chương trình “Thanh niên khởi nghiệp” giai đoạn 2016 – 2021 và Ngày hội Thanh niên Khởi nghiệp, đồng thời, cùng lãnh đạo một số bộ, ngành đối thoại với hơn 1.000 thanh niên, sinh viên về khởi nghiệp.
 
Khởi nghiệp cần đam mê và cống hiến
 
Trả lời câu hỏi của một sinh viên ngành chính trị (Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam), Thủ tướng chia sẻ: Các bạn trẻ hãy làm gì với niềm yêu thích của bản thân, những chính trị gia ngồi đây có thể ngay lúc đầu chưa nghĩ rằng mình sẽ làm công việc này trong tương lai. Các bạn trẻ có thể làm các công việc khác nhau, miễn là với đam mê và cống hiến.
 
Trước đó, nói chuyện với sinh viên, Thủ tướng cho rằng, rất đông các bạn trẻ có ước mơ, hoài bão, muốn thành danh trong nghề nghiệp của mình, thành chủ doanh nghiệp, nhà lãnh đạo, muốn cống hiến cho xã hội trí lực và cống hiến hết sức tiềm năng bản thân mình thì phải cố gắng, vươn lên, khắc phục khó khăn. Sự khởi nghiệp đó có thể là thực hiện một ý tưởng sáng tạo về kinh doanh hay công nghệ, có thể là một ý tưởng giải quyết một bài toán xã hội trong nhiều lĩnh vực khác nhau từ nông nghiệp đến dịch vụ, xóa đói giảm nghèo, môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, giáo dục, y tế…
 
Thước đo và mục tiêu cuối cùng của khởi nghiệp không chỉ là lợi nhuận, giá trị nhận được của khởi nghiệp không chỉ là con số tài chính. Đó còn là sự trải nghiệm, sự rèn luyện kỹ năng của nhận thức và giá trị bản thân. Vì vậy, nếu một ý tưởng khởi sự kinh doanh nào đó không thành công thì cũng không nên coi đó là một thất bại hoàn toàn của bản thân. Có thất bại mới có thành công. Có thể có người thành công, có người kém may mắn nhưng điều quan trọng là các bạn trẻ dám sống với ước mơ của mình, có cơ hội trải nghiệm và rèn luyện cho hành trình lâu dài này.
 
Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho rằng mọi ngành nghề đều đòi hỏi sáng tạo khi khởi nghiệp. Mọi lĩnh vực đều có thể tìm ra con đường khởi nghiệp của bản thân.
 
Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cũng nhìn nhận khởi nghiệp là sáng tạo, vì thế học ngành chính trị thì phải sáng tạo, phải nghĩ đến các ý tưởng, đề tài sáng tạo, ví như học về tuyên truyền thì phải sáng tạo, viết phần mềm nào đó để việc tuyên truyền của mình đến được rộng rãi nhiều người.
 
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung chia sẻ, làm gì cũng phải có đam mê, khát vọng và “cháy hết mình” vì điều đó.
 
Ai chậm trễ, báo tôi biết…
 
 “Tôi là Nguyễn Thị Thơm, sinh năm 1982, đến từ Hải Dương. Xin hỏi là hiện nay, các chân ruộng chiêm trũng kém hiệu quả còn bỏ hoang hóa nhiều. Thanh niên nông thôn muốn chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang làm trang trại, đào ao thả cá, chăn nuôi gia súc gia cầm, thì còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong các thủ tục hành chính phải qua nhiều cơ quan đơn vị. Vậy Thủ tướng và các bộ ngành sắp tới có chỉ đạo như thế nào để xử lý vấn đề này?”, sinh viên nêu câu hỏi.
 
Thủ tướng trả lời: “Bây giờ làm lương thực thì kém hiệu quả, cho nên Thủ tướng đồng ý trước mắt cho phép chuyển đất không trồng lúa sang trồng các loại cây khác, thậm chí đào ao thả cá, nuôi ba ba hay làm việc khác có quả hơn. Yêu cầu các tỉnh phải công khai minh bạch giải quyết nhanh thủ tục cho thanh niên trẻ có ý tưởng. Ai chậm trễ không chịu giải quyết các vị báo cho tôi biết”.
 
Về vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội, để từ  đó các doanh nghiệp hỗ trợ các ý tưởng khởi nghiệp, bạn Nguyễn Võ Hoài Nam, vừa tốt nghiệp đại học, hỏi: Nhà nước nói nhiều đến trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Nhưng khi thực hiện trách nhiệm xã hội họ sẽ tốn nguồn lực khác nhau như tài chính, nhân lực. Vậy có cơ chế gì hỗ trợ cho doanh nghiệp. Vì doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ các cá nhân, đặc biệt là các bạn trẻ khởi nghiệp?
 
Thủ tướng trả lời: “Tôi ghi nhận là nếu như doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội thì cần có chính sách hỗ trợ, nhất là khi họ hỗ trợ cho người nghèo, gia đình chính sách. Chúng tôi ghi nhận ý kiến này để nghiên cứu chính sách phù hợp, ví dụ phần hỗ trợ xã hội đó không tính  thuế. Nhưng phải có sự nghiên cứu đồng bộ. Hiện mới có một Nghị định cho phép Viettel được miễn thuế cho khoản này. Các doanh nghiệp khác sắp tới nghiên cứu áp dụng. Thủ tướng ghi nhận ý kiến đề xuất rất tốt. Muốn để doanh nghiệp đóng góp cho xã hội thì phải có chính sách cho họ. Đây là ý tưởng rất tốt”.
 
Cũng tại lễ phát động Thanh niên khởi nghiệp, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh ra mắt Hội đồng chuyên gia tư vấn, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp và trao vốn hỗ trợ cho 10 dự án khởi nghiệp của thanh niên, sinh viên, mỗi dự án khởi nghiệp được nhận số vốn 50 triệu đồng.
 
Trong khuôn khổ Ngày hội Thanh niên Khởi nghiệp, Trung ương Đoàn, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam đã phát động Cuộc thi ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp sinh viên “Start-Up Idea 2016”; ra mắt Sàn ý tưởng thanh niên nông thôn khởi nghiệp; tổ chức Diễn đàn Thanh niên Khởi nghiệp và tổ chức Hội thảo “Kết nối các nguồn lực hỗ trợ khởi nghiệp”. Đáng chú ý, tại lễ phát động còn có sự xuất hiện của gần 40 gian hàng giới thiệu các Câu lạc bộ khởi nghiệp, các mô hình khởi nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp của thanh niên, sinh viên…
 
Đức Tuân