Giải pháp giám sát chất lượng nguồn nước và tự động thu thập dữ liệu về chỉ số nước tiêu thụ cho các nhà máy nước tại Việt Nam

Sinh viên: Dương Quang Đạt
Đơn vị: ĐHTN – Trường Đại học CNTT&TT;
Lượt bình chọn: 1613
giới thiệu về nhóm tác giả
1. Sản phẩm của dự án
– Thiết bị đo chất lượng nguồn nước.
– Thiết bị đo chỉ số nước sinh hoạt.
– Phần mềm quản lý khách hàng sử dụng nước sinh hoạt.
2. Ý tưởng dự án
Hiện nay, các nhà máy nước vẫn đang thực hiện những biện pháp thủ công trong việc ghi chỉ số nước sinh hoạt và thanh toán tiền nước tiêu thụ hàng tháng tại các hộ gia đình. Những biện pháp thủ công này rất mất thời gian và gây tốn kém chi phí về nguồn nhân lực lao động. Bên cạnh đó, người dân cũng chỉ biết sử dụng nguồn nước do các nhà máy cấp mà không có điều kiện để giám sát chất lượng nguồn nước sinh hoạt của gia đình mình. Điều này gây ra một thực trạng nhức nhối trong xã hội đó là nhiều hộ gia đình vẫn phải dùng nguồn nước kém chất lượng từ chính các nhà máy.
Xuất phát từ nhu cầu thực tế đó, nhóm tác giả đề xuất xây dựng ứng dụng Smart Water theo mô hình mạng Internet kết nối vạn vật nhằm giải quyết được các yêu cầu cấp bách ở trên. Một số điểm đo chất lượng nguồn nước sinh hoạt sẽ được triển khai không những cho phép nhà máy nước giám sát được chất lượng nguồn nước trước khi cung cấp cho khách hàng mà còn cho phép khách hàng giám sát được chất lượng nguồn nước mà gia đình họ đang sử dụng. Ngoài việc quản lý chất lượng nguồn nước sinh hoạt, nhóm tác giả cũng tập trung nghiên cứu, đề xuất giải pháp quản lý hệ thống cung cấp nước sạch đến các hộ gia đình. Các thông tin về khách hàng, lượng nước sử dụng hàng tháng, hóa đơn tiền nước của từng khách hàng được tính toán và tự động gửi tới khách hàng. Đề tài góp phần giảm thiểu chi phí nguồn nhân lực trong việc ghi, tính toán chỉ số nước hoàn toàn thủ công như hiện nay.
Ngoài ra, thiết bị đo chất lượng nguồn nước còn có thể được triển khai trong một số ứng dụng khác trong thực tế như giám sát chất lượng nguồn nước xả thải của các nhà máy sản xuất tại các khu công nghiệp, giám sát chất lượng nguồn nước mặt tại các khu vực làng nghề của một số vùng nông thôn (chế biến lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng, dệt nhuộm, tái chế giấy và tái chế kim loại…).
3. Đóng góp về mặt kinh tế – xã hội và khả năng áp dụng của sản phẩm
Hiện nay, vấn đề quản lý và đảm bảo chất lượng nguồn nước sinh hoạt đang là trọng tâm chú ý và đầu tư không chỉ của nhà nước ta mà còn là vấn đề nóng của cả thế giới. Do ứng dụng trực tiếp của đề tài là hệ thống quản lý nguồn nước sinh hoạt, do đó nó sẽ có tác dụng thiết thực đối với xã hội và đem lại hiệu quả kinh tế.
Hiệu quả mang lại đối với các nhà máy nước tại Việt Nam:
– Khi chuyển giao hệ thống cho các nhà máy nước tại Việt Nam, sản phẩm sẽ trở thành công cụ đắc lực trong quá trình quản lý và đảm bảo chất lượng nguồn nước sinh hoạt cho khoảng hơn 1 triệu hộ gia đình sử dụng nguồn nước sinh hoạt từ các nhà máy nước.
– Sản phẩm góp phần giảm thiểu chi phí nguồn nhân lực trong việc ghi, tính toán chỉ số nước hoàn toàn thủ công như hiện nay.
Hiệu quả mang lại đối với khách hàng sử dụng nước:
– Giám sát được chất lượng nước mà khách hàng đang sử dụng.
– Giám sát được chỉ số nước tiêu thụ hàng tháng qua giao diện Web đơn giản.
– Giám sát chỉ số nước tiêu thụ trên thiết bị đo.
– Thanh toán hóa đơn tiền nước qua hệ thống ngân hàng giúp tiết kiệm thời gian thanh toán.