Bí quyết tìm cộng sự khởi nghiệp

Cộng sự khởi nghiệp có thể là người đồng sáng lập startup, cũng có thể là nhà quản lý, nhân viên cùng làm việc với bạn.

Trong một buổi workshop được tổ chức bởi dự án Hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp (StartupNutz), các diễn giả – nhà khởi nghiệp đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm được rút ra từ những trải nghiệm thực tế của chính họ. 

1. Tìm người chia sẻ giá trị cuộc sống

Trước khi nôn nóng tìm cộng sự, điều đầu tiên bạn cần làm là lập một danh sách trong đó liệt kê lĩnh vực bạn đang kinh doanh, điểm mạnh, điểm yếu của bản thân, sau đó là những yêu cầu dành cho người sẽ cùng thực hiện dự án. Cách làm này giúp bạn xác định thiếu sót của bản thân, từ đó dễ dàng tìm ra cộng sự phù hợp với mình.

Theo đa số nhà khởi nghiệp, tìm được người có tài, có đủ kỹ năng chuyên môn đã khó nhưng không khó bằng việc tìm người có chung chí hướng.

2. Dung hòa “cái tôi”

Ông Nguyễn Văn Phương – Nhà sáng lập, Giám đốc Học viện Thương hiệu và Truyền thông Sage ví von, một công ty startup như một hình tròn, tuy nhiên trong đó có thể có rất nhiều ngôi sao (người tài – người viết) và cạnh của các ngôi sao này đâm ra nhiều hướng khác nhau.

“Điều bạn cần làm là tìm cách dung hòa những góc cạnh (cái tôi) đó, để những ngôi sao đó hòa hợp với nhau thành khối tròn thống nhất, với mục đích sau cùng là đưa startup phát triển”, ông Phương nói.

3. Biết cách giải quyết xung đột

Trong trường hợp đã tìm được cộng sự ăn ý nhưng sau thời gian hợp tác, giữa bạn và họ lại xảy ra xung đột (conflick). Đó có thể là xung đột về chiến lược phát triển, về tài chính, về cơ hội thăng tiến…, hoặc cộng sự muốn ra đi theo lời mời hấp dẫn từ những công ty khác, ông Từ Trung Hiếu – lTechnical leader tại SilkRoad Pacific, startup về phát triển phần mềm tại Hà Nội nêu vấn đề.

“Điều bạn cần làm lúc này là xác định nguyên nhân nằm ở đâu. Nếu có thể hòa giải xung đột, hãy cố gắng hết sức có thể. Còn không, hãy để mọi việc xảy ra tự nhiên”, ông Hiếu cho biết.

Ngoài xung đột giữa các cộng sự, trên thực tế còn xảy ra xung đột giữa startup với nhà đầu tư. “Có lần, một startup mà tôi biết đã gọi được vốn đầu tư nhưng lại xảy ra mâu thuẫn về chiến lược phát triển công ty. Cụ thể, nhà sáng lập và các cộng sự đặt ra mục tiêu về doanh số, lợi nhuận thì nhà đầu tư thay vì quan tâm đến những yếu tố đó lại đề cao thương hiệu, nền tảng phát triển công ty… Cuối cùng, startup đó mất đầu tư, và tiếp tục làm theo định hướng ban đầu”, ông nói.

“Startup là những người quyết định theo đuổi giấc mơ của mình tới cùng. Nhưng nếu không thể cùng nhau đi tiếp, bạn có thể tìm người khác để tiếp tục thực hiện giấc mơ dang dở đó”, ông Hiếu chia sẻ.

4. Chuẩn bị tâm lý thất bại

Bên cạnh chủ đề lựa chọn người đồng hành, không ít bạn trẻ bày tỏ quan tâm đến rào cản tâm lý khi khởi nghiệp.

“Tôi chứng kiến không ít startup khởi đầu rất thành công nhưng đến lúc công ty gọi được vốn, đang trên đà phát triển thì bất ngờ gặp sự cố. Sau đó, họ nản chí và không còn nhiệt huyết đứng lên làm lại”, ông Phương cho biết.

Ngoài áp lực tâm lý, start up còn chịu áp lực từ gia đình. Thực tế, có khá nhiều startup không nhận được sự ủng hộ của người thân. Người ngăn bạn khởi nghiệp đôi lúc lại chính là vợ/chồng, bố mẹ, những người sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp ngay lập tức nếu bạn thất bại.

“Do đó điều bạn cần làm trước tiên là hãy chia sẻ ý tưởng khởi nghiệp với gia đình để nhận được sự ủng hộ từ phía họ. Người thân phải hiểu bạn đang làm gì để đến lúc khó khăn, bạn cần sự hỗ trợ thì đó sẽ là những người dang tay ra cứu bạn trước tiên”, ông Phương khuyến nghị.

Ngoài ra, startup cần có “độ cứng” khi khởi nghiệp. Theo ông Hiếu, độ cứng ở đây chính là kiến thức: “Trong khởi nghiệp, kiến thức là thứ rất quan trọng giúp bạn thành công”.

Ngoài ra, “độ cứng” còn được hiểu là khả năng chịu đựng và phục hồi sau thất bại. “Mỗi lần vấp ngã, bạn sẽ học được rất nhiều kinh nghiệm, kiến thức – những thứ không ai dạy riêng cho bạn mà bạn phải tự trải nghiệm, đúc kết bài học cho mình. Nếu bạn trang bị “đồ bảo hộ” sẵn sàng, bạn sẽ ngã nhẹ hơn, và sớm đứng dậy được”, ông Phương nói.

VÂN THẢO